[ Bán Hàng Chuyên Nghiệp ] Tổng Hợp 20 Khó Khăn Bạn Có Thể Gặp Trong Kinh Doanh

Cuộc sống này vốn dĩ không phải màu hồng, muốn thấy được cầu vồng ta phải chấp nhận những cơn mưa. Trong hành trình chạm đích tới thành công, trở thành một chiến thần kinh doanh hàng trăm, hàng ngàn đơn với mức lợi nhuận khủng hàng tháng, bạn có thể sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn cản bước. Biết vượt lên nghịch cảnh, bạn sẽ là người chiến thắng!

1. Gia đình cản trở

Có lẽ, sự tuyệt vọng và chán nản nhất khi bạn bắt tay vào làm bất cứ một công việc gì không chỉ riêng kinh doanh chính là không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Lý do khiến người nhà một mực cản trở bạn kinh doanh có thể xuất phát từ nhiều phía: không có vốn, không tin tưởng vào năng lực của bạn, cho rằng công việc kinh doanh nhiều rủi ro, kém ổn định,…

2. Khách hàng khó tính

Khách hàng là thượng đế, tuy nhiên bạn cũng đôi khi sẽ gặp phải những vị khách vô cùng khó ưa, khó chiều. Chính vì thế, hãy luôn trau dồi cho mình kĩ năng bán hàng chuyên nghiệp, kiên nhẫn lắng nghe và bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách khéo léo nhất.

3. Khách boom hàng

Câu chuyện khách boom hàng có lẽ xảy ra quá thường xuyên với những cá nhân kinh doanh online. Hãy cẩn trọng và chắc chắn trong khâu chốt đơn để giảm thiểu tối đa những sai sót không đáng có nhé!

4. Hoang mang khi lựa chọn nguồn sỉ

Một mặt hàng kinh doanh có thể sẽ có nhiều nhà phân phối, bỏ sỉ khác nhau. Nếu không biết chọn lọc thông minh, bạn rất dễ rơi vào trạng thái hoang mang không biết bắt đầu từ đâu.

5. Nguồn hàng “treo đầu dê bán thịt chó”

Thay vì quá tin tưởng bên bỏ sỉ, bạn nên dành thời gian đi khảo sát, kiểm nghiệm sản phẩm để chắc chắn nguồn hàng của mình không bị “treo đầu dê bán thịt chó”nhé.

6. Đối thủ chơi xấu

Thương trường là chiến trường, chắc chắn bạn sẽ không tránh khỏi những chiêu trò câu dẫn, bịa đặt nhằm lôi kéo khách hàng thiếu lành mạnh từ đối thủ.

7. Chọn địa điểm mở shop

Làm thế nào để cân đối giữa vị trí thuận lợi kinh doanh, hướng phong thủy, giá thuê mặt bằng phù hợp, minh bạch trong khâu giấy tờ, đảm bảo mặt bằng thu hút khách hàng…

8. Không biết pr sản phẩm

Nếu không chịu tìm tòi để marketing sản phẩm của bạn tới tay người dùng, việc kinh doanh rất có thể sẽ rơi đến bờ vực thẳm.

9. Nỗi lo về vốn

Có những doanh nghiệp tại thời điểm xuất phát không có đủ vốn kinh doanh,do không tính toán kĩ lưỡng mà rơi vào trường hợp lợi nhuận kiếm được không đủ để gánh lãi vay vốn ngân hàng.

10. Môi trường sinh thái không phù hợp

Bạn không thể bán thực phẩm đông lạnh tại nơi có khí hậu quá nắng nóng vì sẽ làm hao tổn điện năng hay kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn tại nơi không có khả năng bảo quản lâu dài. Lựa chọn môi trường sinh thái cũng là điều quan trọng.

11. Khó khăn với chính quyền

Việc bạn kinh doanh ở đâu, bày bán mặt hàng gì đôi khi sẽ cần đến thủ tục giấy tờ tại chính quyền địa phương. Hãy đảm bảo rằng mọi thứ được thực hiện minh bạch và cẩn thận nhé.

12. Khó khăn trong quá trình vận chuyển

Nếu bạn kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, việc vận chuyển hàng hóa như thế nào cũng được coi là bài toán lớn. Rất nhiều trường hợp hàng hóa đến tay người tiêu dùng có thể bị móp méo, bị rách,kiện hàng bị thất lạc và thậm chí là kẻ xấu sử dụng chiêu trò tráo hàng nhằm chuộc lợi.

13. Tìm kiếm nhân viên chất lượng

Để tuyển dụng được nhân viên am hiểu và có kinh nghiệm cũng là việc không hề dễ dàng. Bởi những người thực sự có kĩ năng họ sẽ biết định giá cho chất xám và sức lao động mình bỏ ra ứng với số tiền lương phù hợp. Bạn cần tính toán lợi nhuận doanh nghiệp và đưa ra mức lương đãi ngộ hợp lý!

14. Khâu quản trị nhân lực còn nhiều lỗ hổng

Nếu bạn xác định kinh doanh với một đội ngũ nhân lực dồi dào thì cần phải chuẩn bị cả kế hoạch quản lý nhân lực của mình sao cho đoàn kết và cùng phát triển vì mục tiêu chung.

15. Nhân viên gian thương, ăn chặn tiền

Mặc dù đã tuyển dụng kĩ càng nhưng lòng tham của con người là thứ khó đoán. Trong quá trình hoạt động, bạn có thể gặp phải trường hợp nhân viên hay bảo vệ ăn chặn tiền bán hàng, qua mặt quản lý hoặc tuồn hàng bán ra ngoài với giá rẻ hơn nhằm thu lợi.

16. Khách hàng “phốt” khi không hài lòng

Thời đại mạng xã hội trở thành con dao hai lưỡi, rất có thể khách hàng sẽ lạm dụng nó để “phốt” cửa hàng của bạn khi họ không hài lòng về sản phẩm của bạn hoặc dịch vụ chăm sóc khách hàng bên cửa hàng. Trong những tình huống như vậy, bạn cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết một cách khôn ngoan để tránh đẩy sự việc đi quá xa.

17. Lệ thuộc vào nguồn cung ứng hàng hóa, không kiểm soát được chất lượng đầu vào.

Một khi số lượng khách đông, bạn sẽ càng khó khăn trong việc kiểm soát nguồn hàng đầu vào.Hãy đảm bảo rằng bạn luôn chủ động trong việc quản lý nguồn hàng nhập của mình, kiểm định chất lượng thường xuyên và tuyệt đối không lệ thuộc vào nguồn cung ứng. 

18. Dòng Tiền Bất Ổn khi Thu không đủ chi

Những khoản chi lặt vặt trong ngày như ghé mua tách cà phê mang đi, sắm dụng cụ đồ đạc, ăn uống 3 bữa có vẻ không đáng kể. Thế nhưng nếu bạn thử cộng dồn chúng vào cuối tháng hay cuối năm, bạn sẽ bất ngờ trước sự “khổng lồ” của nó đấy.Vì vậy, bên cạnh việc quản lí nhân sự, còn phải trang bị thêm kiến thức Quản Lý Tài Chính, cân đối khoản lợi nhuận thu vào và các doanh mục cần chi ( tránh chi tiêu lãng phí)

19. Không có khách hàng 

Không phải bạn có vốn là có thể dễ dàng kinh doanh bất kỳ lúc nào trong năm. Bởi làm việc gì cũng cần chờ đợi thời cơ, nhất là khi sản phẩm của bạn có tính mùa vụ. Hãy kiên nhẫn đợi đến đúng mùa và tung ra thị trường đúng lúc người tiêu dùng có nhu cầu cao nhất. Lúc đó, cơ hội kinh doanh thành công sẽ dễ dàng hơn.

20. Nỗi sợ rủi ro

Trước khi bắt tay vào kinh doanh, hãy làm chủ chính lí trí của mình. “Phi thương bất phú”, chỉ có kinh doanh mới giúp bạn chóng kiếm ra lợi nhuận, ra tiền.

Gặp phải khó khăn trong buôn bán kinh doanh là điều không thể tránh khỏi, bạn cần phải giữ cho mình một cái đầu linh hoạt, nhạy bé, quyết đoán trước những tình huống cấp bách để làm chủ doanh nghiệp, làm chủ chính lựa chọn của mình. Chúc bạn mã đáo thành công!